THUYẾT MINH NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM KIM SƠN – NINH BÌNH

NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM (NHÀ THỜ TRÁI TIM ĐỨC MẸ)

Từ xa xưa, vùng Kim Sơn, Phát Diệm là một phần của cửa biển thần phù, nơi một nhánh sông Hồng và sông Càn giao nhau ở biển Đông mênh mông, thiên nhiên đã biến nơi đây thành một cửa biển mà mức độ nguy hiểm từng đi vào ca dao:

“Lênh đênh qua cửa thần phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Rồi sóng biển nhường cho đất bồi cứ lấn mãi, đến năm 1829 doanh điền xứ Nguyễn Công Trứ đến đây khai khuẩn đất hoang lập nên huyện Kim Sơn gồm 7 tổng, 60 làng trại với 14.620 mẫu ruộng.

Những ngôi làng của vùng đất phù sa này, được cụ Nguyễn Công Trứ sắp đặt theo chiều Bắc Nam với những con sông nhỏ chạy song song giống như những con rồng vươn mình ra phía biển khơi, những tên làng cũng thật đẹp: Chì Chính, Thủ Chung, Lưu Quang, Hướng Đạo, Hòa Lạc rồi Phát Diệm nghĩa là “tỏa ra vẻ đẹp”.

Đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ tọa lạc trên nền ngôi nhà xưa cụ từng sống tại làng Lạc Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn để ghi nhớ công ơn người đã đặt nền tảng cho sự phát triển của cả miền Kim Sơn sau này.

Gần 40 năm sau, một nhân vật hậu sinh đã nối trí cụ Nguyễn Công Trứ trong việc khai khuẩn đất hoang đồng thời để lại cho vùng Kim Sơn, Phát Diệm những di sản quý giá, đó là cụ Sáu, tức cha Phero Trần Lục.

Cha Phero Trần Lục vốn tên là Hữu sinh năm 1825 tại làng Mỹ Quan tục gọi là làng Khan, tức là họ Đạo Đức, xứ Kẻ Dừa, nay thuộc giáo phận Thanh Hóa.

Năm 15 tuổi, cậu Hữu vào sống với cha Tiếu tại giáo xứ Bạch Bát, nay là xứ Bạch Liên thuộc giáo phận Phát Diệm.

Năm 1845 cậu Hữu được cha Tiếu cho vào học trường La tinh ở Vĩnh Trị. Nơi đây, cậu được cải tên thành Trần Chiêm.

Năm 1858, thầy Chiêm lãnh tác vụ phó tế, cũng năm này thầy bị triều đình nhà Nguyễn bắt vì đạo, bị đi đày ở Lạng Sơn. Chính tại nơi lưu đày biệt xứ thầy được mọi người gọi bằng cái tên sau này trở nên quen thuộc, cụ Sáu.

Năm 1865, cụ Sáu nhận nhiệm vụ coi sóc xứ Phát Diệm. Trên địa hình đất bồi, với hệ thống sông ngòi chằng chịt cụ Sáu đã khéo léo lợi dụng sức nước vận chuyển hàng chục ngàn tấn gỗ, đá để chuẩn bị cho một công trình xây dựng khổng lồ với những phương tiện hết sức thô sơ cụ Sáu đã lần lượt xây cất các công trình đồ sộ trong quần thể nhà thờ Phát Diệm.

Trên diện tích gần 3000m2, cụ Sáu đã lần lượt kiến tạo 10 công trình lớn nhỏ.

Núi Táng Xác là công trình đầu tiên được xây dựng năm 1875 nhằm mục đích thử độ lún của đất tân bồi. Núi này từ năm 1954 được đổi tên thành Núi Sinh Nhật.

Núi Giệt-si-ma-ni nhắc nhở biến cố Chúa Giesu cầu nguyện vào đêm trước khi ngài chịu chết, núi này được dựng năm 1896 và từ năm 1925 được đổi tên thành núi Lộ Đức.

Hang Bê Lem với dáng dấp tự nhiên được điểm tô bằng 2 cây đại mà dấu vết thời gian in đậm trên thân cây sần sùi, uốn lượn, núi này được dựng năm 1898 và được đổi tên thành núi Sọ vào năm 1957.

Ảnh nhà thờ đá Phát Diệm

Năm 1883, cụ Sáu tiến hành xây cất nhà nguyện dâng kính trái tim vô nhiễm nguyên tộ Đức Mẹ. Công trình này hầu như hoàn toàn bằng đá, một loại đá có chất lượng đặc biệt, được chạm trổ hết sức công phu, xứng đáng là viên ngọc trong quần thể nhà thờ Phát Diệm. Mặt tiền của ngôi nhà nguyện này là sự kết hợp khéo léo giữa tính cách bề thế, vững trãi của đá và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thủa xưa. Hai ngọn tháp 2 bên có dáng dấp như tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm chỉ khác là ở đây cây thánh giá thay chỗ cho cây bút. Ngọn tháp chính giữa công phu và đẹp nhất với bức phù điêu có hình trái tim bị đâm thâu qua là biểu tượng cho trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ, điều đặc biệt ở đây là vào thời điểm xây dựng nhà nguyện này cụ Sáu đã có ý thức dân tộc rất mạnh khi khắc một lời cầu bằng bốn loại chữ viết lên trên ngọn tháp này, trong đó chữ quốc ngữ được trân trọng đặt lên trên cùng với nội dung “Lái tim rất thánh Đức Bà chẳng hiểu mắc tội tổ tông truyền cầu cho chúng tôi”.

Bên trong nhà nguyện là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc của châu Âu và kiến trúc thuần Việt, nhà nguyện được xây dựng giống với ngôi nhà 5 gian 2 trái cửa trước quay về hướng Nam nhưng không ở vị trí nằm ngang của nhà người Việt mà quay theo chiều dọc của kiến trúc nhà thờ châu Âu. có thể coi đây là công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất ở Việt Nam với những chi tiết chạm trổ hầu như hoàn toàn bằng đá từ cột, kèo, xà, bẩy đều bằng đá nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của kiến trúc bằng gỗ. Bốn góc của nhà nguyện là bốn bức chạm thông phong: tùng, cúc, trúc, mai. Bàn thờ chính giữa được dựng bởi tảng đá nguyên khối, nặng 7 tấn mang về từ núi Nhồi, chạm trổ 3 mặt tinh xảo. Mặt trước của bàn thờ với 3 bức phù điêu diễn tả những đặc ân mà Đức Mẹ được hưởng từ ơn trên trong đó bức tranh ở giữa là trái tim với lưỡi gươm đâm xuyên qua cho ta thấy cuộc đời Đức Mẹ phải trải qua rất nhiều đau khổ, bức tranh bên trái là hình Giếng Niêm Phong, bên phải là vườn hoa bị khóa chặt, hai hình ảnh này muốn nói về sự tích Đức Mẹ đồng trinh vô nhiễm nguyên tội, người phụ nữ duy nhất trên thế giới sinh con mà vẫn giữ được trinh tiết của mình. Bên hông bàn thờ là hình ảnh vòng đời của hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ. Toàn bộ bàn thờ được chiếu sáng bởi hai ô cửa sổ lớn bằng đá được chạm thủng hoàn toàn bằng cưa tay hình ảnh chim phượng hoàng, một trong tứ linh trong văn hóa người Việt. Đối lập với bức chạm chim phượng hoàng, bên ngoài là hình su tử với gương mặt đang cười và trong kinh thánh thì sư tử chính là biểu tượng giới thiệu Chúa Giesu vì Chúa Giesu được gọi là Sư tử chiến thắng nhà Giu-đa.

Năm 1889, cụ Sáu cho xây dựng nhà nguyện dâng kính trái tim Chúa với nội thất hoàn toàn bằng gỗ lim. Cửa vào ngôi nhà nguyện này là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt vời, tất cả đều được chạm trổ tinh vi tới từng chi tiết nhỏ. Bàn thờ bằng đá mang đậm phong cách biểu tượng, những bức phù điêu giới thiệu những điển tích, điển cố được nhắc đến trong kinh thánh như con chiên, chim bồ nông lấy máu thịt mình nuôi con hay con sư tử.

Năm 1895, cụ cho xây nhà nguyện kính thánh Gio-an tiền hô, với nội thất bằng gỗ mít. Từ năm 1923, nhà nguyện này được đổi tên thành nhà nguyện kính thánh Rô-cô.

Năm 1896, cụ Sáu tiếp tục xây dựng nhà nguyện dâng kính thánh Giu-se với nội thất bằng gỗ lim, nơi đây gỗ hóa thân thành những bông huệ quấn quýt, đan xen vào nhau, những sợi dây mảnh mai, duyên dáng, thành những tấm màn vén lên kín đáo, nhẹ nhàng. Hai bên gian cung thánh, là 14 bức phù điêu theo dòng đời thăng trầm, chìm nổi của thánh Giu-se. Cùng năm, nhà nguyện dâng kính thánh Phê-rô, quan thầy của cụ Sáu được xây dựng, nội thất công trình này hầu như hoàn toàn bằng gỗ mít. Bàn thờ chính giữa là một tảng đá nguyên khối liền từ trên xuống dưới với trọng lượng khoảng trên 20 tấn. Hai bên gian cung thánh là 12 bức phù điêu giới thiệu 12 vị tông đồ, góc mỗi bức phù điêu là một lời cầu bằng chữ Nôm của 1 trong 12 họ đạo thuộc xứ Phát Diệm thời cụ Sáu dâng lên vị thánh quan thầy.

Công trình lớn nhất trong quần thể nhà thờ Phát Diệm chính là nhà thờ lớn, được xây dựng năm 1891, mặt tiền được kiến trúc bằng nhiều khối đá lớn gồm 5 lối vào, phía trên có 3 tháp vuông với những mái cong. Phía trên của cửa vào là những khối đá lớn, mỗi cửa gồm 3 bức phù điêu, tất cả là 15 mầu nhiệm mân côi được tạc nổi trên đá, từ phía tay trái: 5 sự vui: thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ; 5 sự thương: nói về cuộc tử nạn của Chúa; và kết thúc bên phía tay phải khi Đức Mẹ được hưởng triều thiên.

Bên trong nhà thờ chính tòa Phát Diệm, theo các tài liệu lịch sử kể lại, việc xây dựng nhà thờ này chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng theo cách tính của người Việt Nam, tức là kể từ khi đặt các chi tiết gỗ cho đến khi chính thức đặt được cây thượng lương. Công trình này có thể coi là hội tụ của 2 nền kiến trúc Đông Tây, trong đó, kiến trúc phương Tây thể hiện qua lối vào ở đầu nhà thờ và lòng nhà thờ cao vút lên là một trong những nét đặc trưng của kiến trúc Gothic; kiến trúc Á Đông mà cụ thể là kiến trúc Việt Nam thể hiện qua những cách bố trí cột kèo, các chi tiết chạm trổ hoa văn uyển chuyển, tinh tế.

Nhà thờ gồm có 6 hàng cột gỗ lim, tức là 52 cây cột, trong đó 2 hàng cột ở chính giữa gồm 16 cột là đồ sộ nhất, mỗi cây cột cao 11 mét và cột lớn nhất chu vi là 2 mét 65. Nhà thờ được bố trí theo lối “thượng thu hạ thách” tức là càng lên cao càng thu vào, cụ thể là mỗi cây cột cứ cao lên 1 thước ta là nghiêng vào 1 phân rưỡi đến 2 phân. Nhà thờ gồm có 9 vì kèo, nét chạm trổ trên mỗi vì kèo càng gần cung thánh càng tinh tế, nhẹ nhàng. Mỗi vì kèo nặng ước chừng 25 tấn và với những phương tiện hết sức thô sơ cách đây hơn 100 năm cha ông chúng ta đã phải ghép tất cả những vì kèo đồ sộ này ở dưới đất kết hợp giữa sức trâu, sức người và lấy mặt tiền nhà thờ làm điểm tựa để kéo những vì kèo này lên đúng vị trí. Tại gian cung thánh nhà thờ chính tòa, nổi bật là bức phông vô cùng lộng lẫy, ở trên cùng là hình ảnh Đức Mẹ trao tràng hạt mân côi cho thánh Đa Minh, xung quanh là hình ảnh của những thiên thần, ở dưới, chính giữa là hình Chúa Giesu làm vua, xung quanh là 6 vị thánh tử đạo Việt Nam gồm có 1 vị giám mục, 1 vị linh mục, 1 vị quan triều đình, 1 anh lính, 1 ông lý trưởng và 1 phụ nữa nông dân chính là đại diện cho những tầng lớp, con người khác nhau trong xã hội. Chính giữa gian cung thánh là tượng Đức Mẹ mân côi, xung quanh là hình ảnh của các vị thánh. Tượng Đức Mẹ đặt trên bàn thờ chính được làm bằng tảng đá nguyên khối có chiều dài 3 mét chạm trổ tinh xảo cả 3 mặt.

Bàn thờ phía trước nơi các linh mục cử hành thánh lễ hàng ngày cũng được làm hoàn toàn bằng đá vào năm 1991 nhân kỷ niệm 100 năm nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Phương đình được hoàn thành vào năm 1899 có lối kiến trúc độc đáo vừa là cổng tam quan vừa có chức năng là 1 gác chuông được chia thành 3 tầng, tầng dưới cùng thiết kế rộng rãi, phóng khoáng, đường nét trang trí đơn giản, trong mỗi gian đều có phiến đá lớn, đặc biệt phải kể đến phiến đá lớn ở gian chính có chiều dài là 4 mét 20, rộng 3 mét 20, trọng lượng khoảng 20 tấn, cụ Sáu cho đặt phiến đá này trong phương đình để tưởng nhớ Chúa Giesu đã ngồi ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ trước khi đi chịu chết vì phía bên ngoài lối vào cụ Sáu cho khắc 1 dòng chữ La tinh có nghĩa là “Nhà tiệc li của Chúa” và điều độc đáo cụ Sáu đã không làm bàn đá để Chúa Giesu ngồi ăn với các môn đệ như trong bức họa nổi tiếng của Leonardo de Vanci, danh họa nổi tiếng người Ý, mà đặt phiến đá có bề mặt lớn để tưởng nhớ Chúa Giesu và các môn đệ ngồi khoanh chân thật gần gũi với người Việt.

Trên đỉnh gác chuông là quả chuông nam tức là chuông được đánh bằng vồ điều khá lạ với nhà thờ công giáo hầu hết đều dùng chuông kéo bằng dây. Chuông được đúc năm 1890, chiều cao là 1 mét 90, đường kính chỗ lớn nhất là 1 mét 10, trọng lượng khoảng 2 tấn, khi đánh tiếng có thể ngân xa trên 10km. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa 2 nền văn hóa Đông – Tây, phía Tây quả chuông hầu hết là chữ La tinh, phái Đông là chữ Hán, mặt Đông Nam của quả chuông có dòng chữ Hán “Phát Diệm xứ công vật” tức là vật chung của xứ Phát Diệm,  và dòng chữ ghi niên hiệu “Thành Thái canh dần tạo” tức được đúc năm Canh dần đời vua Thành Thái, xung quanh còn có 4 núm chuông với 4 chữ Hán: xuân, hạ, thu, đông. Phía Tây có những dòng chữ La tinh ghi lời chuông nói được dịch là: “tôi ca tụng Thiên Chúa tôi kêu gọi dân chúng tôi tập hợp giáo sĩ tôi khóc người qua đời tôi đẩy lui dịch tễ tôi điểm tô ngày lễ”.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, dù chịu nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhưng công trình vẫn vững chãi và được gìn giữ nguyên trạng cho đến ngày nay. Quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988.

Với tài liệu tham khảo này, Hải Đăng Travel hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử trên dải đất hình chữ S. Thân mến!

Nguồn: Sở Du Lịch Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0943261199