BÀI THUYẾT MINH KHU DU LỊCH SINH THÁI VÂN LONG
Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng được đón đoàn đến tham quan khu du lịch sinh thái Vân Long. Xin kính chúc đoàn có một chuyến tham quan với nhiều điều bổ ích, kính chúc quý khách sức khoẻ, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Kính thưa quý khách!
Là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất Đồng bằng Bắc Bộ, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cách trung tâm thành phố Ninh Bình 17 km về phía Đông Bắc, được UBND tỉnh Quyết định thành lập tháng 12 năm 2001, là một trong ba khu rừng đặc dụng của tỉnh Ninh Bình và nằm trong hệ thống hơn 100 khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Diện tích tự nhiên hơn 3.500 ha, trong đó diện tích thuộc khu bảo tồn quản lý là 2.643 ha với phần đất ngập nước thường xuyên có diện tích khoảng hơn 400 ha, Vân Long có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là nơi sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là: “Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất”.
Với ý nghĩa “Vân” là mây, “Long” là rồng, Vân Long là nơi rồng mây hội tụ, cũng có nghĩa là nơi tụ thuỷ (vì mây và rồng đều là biểu hiện của nguồn nước). Cái tên “Vân Long” mang trong mình một ước mơ, một khát vọng của con người nơi đây về cuộc sống yên bình, mưa thuận, gió hoà “như rồng gặp mây”. “Vân Long” còn có nghĩa là rồng bay trong mây.
Ảnh Đầm Vân Long
Đầm Vân Long được hình thành khi người dân địa phương đắp tuyến đê dài hơn 30km phía tả ngạn sông Đáy nhằm ngăn lụt lội, điều này đã biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng mênh mông, nơi có những đảo đá và hang động tuyệt đẹp.
Vân Long là khu vực có diện tích đa dạng sinh học cao, ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản. Hệ động thực vật của Vân Long rất đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Ngoài các giá trị về hệ động thực vật học, Vân Long còn sở hữu những bức tranh phong cảnh thủy mặc đẹp tuyệt vời, mặt nước ở đây không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy, phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên…
Với giá trị sinh học độc đáo, năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.360 của thế giới.
Tiêu biểu cho hệ sinh thái trên cạn là hệ sinh thái rừng thứ sinh trên núi đá vôi. Các dãy núi đá vôi khá đồ sộ chiếm gần ba phần tư diện tích khu bảo tồn. Trên dãy núi này nổi lên một loạt đỉnh nhọn như những điểm nhấn trong không gian với những tên gọi rất ấn tượng như đỉnh Ba Chon 428 mét, núi Đồng Quyển 328 mét, đỉnh Mào Gà 308 mét, núi Súm 233 mét. Tiếp đó là các đỉnh Mèo Cào 206 mét, núi Miếu 172 mét, núi Mây 138 mét, núi Lương 128 mét, núi Cô Tiên cao 116 mét. Cùng các hệ thống hang động lung linh huyền ảo như: Hang Bống, Hang rùa, Hang Cá…với các huyền thoại nổi tiếng về Ngọ sơn Đại Vương, danh tướng của Thánh Tản Viên Sơn; Tứ Vị Hồng Nương, bốn nữ tướng củaTrưng Nữ Vương… những con người ấy sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và họ đã trở thành huyền thoại, làm rạng danh quê hương, đất nước.
Núi non và hang động không những đã tạo nên cảnh quan vô cùng kỳ ảo, phong phú mà còn là sinh cảnh của hàng trăm loài động thực vật hoang dã, quý hiếm. Về hệ động vật, khảo sát bước đầu ghi nhận 39 loài thú thuộc 19 họ, 8 bộ; 72 loài chim thuộc 33 họ, 14 bộ, 26 loài bò sát thuộc 11 họ, 1 bộ; 6 loài ếch nhái thuộc 3 họ. Về thực vật, gồm 457 loài thuộc 127 họ, 327 chi. Trong số các loài thực vật thống kê được có 8 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Khu bảo tồn Vân Long cũng có khả năng trở thành một vùng chim quan trọng. Trong 72 loài chim đã thống kê được có 3 loài chim quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam là gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng và loài niệc hung. Điều đáng chú ý tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có loài cà cuống thuộc họ chân bơi một loài côn trùng quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam, ngoài giá trị dược lý gắn liền với văn hoá ẩm thực, cà cuống sống được là biểu hiện sự trong lành của môi trường nước.
Điều riêng có của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là quần thể linh trưởng vô cùng quý hiếm của thế giới, chỉ có ở Việt Nam. Đó là Voọc mông trắng. Tại đây theo điều tra gần nhất của Ban quản lý khu bảo tồn, có 8 tiểu quần thể voọc mông trắng sinh sống trên núi đá từ Gia Hưng đến Gia Thanh. Mỗi nhóm có từ 3 đến hàng trăm con, chiếm 40% đến 50% tổng số cá thể trên toàn thế giới. Điều đó chứng tỏ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là sinh cảnh tốt cho sự sinh tồn và phát triển của loài linh trưởng chỉ còn có ở Việt Nam này.
Hệ sinh thái dưới nước có diện tích 422ha bao gồm: Đầm nước, ruộng lúa nước,sông suối, hang động ngầm. Hệ sinh thái đầm nước được tạo bởi 2 đầm lớn: Đầm Cút, Đầm Vân Long, cùng các sông suối phân bổ trong khu bảo tồn như suối Cút, suối Tép. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có kiểu địa hình ô trũng giữa các dòng sông và là một trong ô trũng lớn nhất của tỉnh Ninh Bình, một trong những đặc trưng của khu bảo tồn. Vào mùa mưa, nước từ những vùng cao thường tập trung vào vùng trũng này, mực nước dâng lên, làm cho mặt nước sông và mặt đồng không còn phân biệt. Những quả đồi và những dãy núi đá vôi như những hòn đảo nhỏ nổi trên mặt nước mênh mông, ta như bắt gặp Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Hệ thực vật thuỷ sinh ở đây cũng khá phong phú. Đến nay đã xác định được 722 loài thực vật trong đó có 687 loài thực vật bậc cao và 258 loài tảo. Trong đó có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Nhóm thực vật ngập nước rất phát triển cả về thành phần loài cũng như số lượng. Sự có mặt của tập đoàn nhóm thuỷ sinh vật thể hiện sự đa dạng sinh thái trong môi trường nước tự nhiên, tiêu biểu cho các thuỷ vực cảnh quan đồng bằng chưa bị ảnh hưởng nhiều của ô nhiễm do nước thải sinh hoạt hay các hoạt động khác của con người như phân bón hoá học hay thuốc trừ sâu. Các loài thực vật phổ biến và mật độ dày là Rong mái chèo, Rong đuôi chó, Rong đuôi chồn, Rong hẹ, năn, súng, trang, dừa nước… những loài này mọc từng đám thuần loại với sinh khối khá lớn.
Ngoài sự phong phú về tài nguyên du lịch tự nhiên, Vân Long còn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng và hấp dẫn với các di tích lịch sử văn hóa thu hút du khách đến tìm hiểu và khám phá.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch, khu du lịch sinh thái Vân Long được chia thành 8 tuyến du lịch chính như sau:
- Các tuyến đường thuỷ:
– Tuyến 1: Trung tâm bến thuyền Vân Long – Hang Bóng – Kẽm Trăm – trở về khu dịch vụ du lịch Vân Long.
– Tuyến 2: Bến thuyền trung tâm – Đền Mẫu – Chùa Thanh Sơn Tự – Vườn Thánh – trở về khu dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long.
– Tuyến 3: Bến thuyền trung tâm – Bức tranh Mèo cào – Hang Cá – trở về bến thuyền trung tâm.
- Các tuyến bộ:
– Tuyến 4: Từ khu dịch vụ du lịch Vân Long – Đền Ba Non – Đền Bến Nổi – Nhà Bảo tàng động vật.
– Tuyến 5: Từ khu dịch vụ du lịch Vân Long – Đầm Cút – Động Hoa Lư – Đồi Mơ.
– Tuyến 6: Tuyến du lịch xuyên rừng: từ trung tâm dịch vụ du lịch Vân Long – làng sinh thái Đồi Ngô – làng sinh thái Cọt – Quèn Cả – Đá Hàn – trở về trung tâm dịch vụ du lịch Vân Long.
– Tuyến 7(du lịch về nguồn): từ trung tâm dịch vụ du lịch Vân Long – mộ Nguyễn Bặc – đền Vua Đinh Tiên Hoàng – đền Đức Thánh Nguyễn – Động và chùa Địch Lộng – động Hoa Lư trở về trung tâm dịch vụ du lịch Vân Long.
– Tuyến 8 (Du lịch làng quê): từ trung tâm dịch vụ du lịch Vân Long – thôn Phù Long – Chi Lễ – Mai Trung – Trung Hoà – Tập Ninh.
Hiện nay chủ yếu khai thác các tuyến tham quan chính với nội dung cụ thể:
– Tuyến 1: Trung tâm bến thuyền Vân Long – Hang Bóng – Kẽm Trăm – trở về khu dịch vụ du lịch Vân Long (thời gian tham quan và đi về khoảng 2 giờ).
Với tuyến 1, du khách xuất phát từ trung tâm bến thuyền với phương tiện chính là thuyền tre và tham quan khu Đồng Thầy, kẽm Trăm, hang Bóng… với thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ.
Bến thuyền được xây dựng vào năm 1994, nằm trên đê Đầm Cút, gọi là đê Đầm Cút vì con đê này kéo dài từ Đầm Cút của xã Gia Hưng qua các xã Liên Sơn, Gia Hoà, Gia Vân đến Gia Thanh dài khoảng 13km tạo thành khu lòng chảo ngập nước quanh năm Vân Long. Ngoài ra nó còn được gọi là Đê Bắc vì nằm ở phía Bắc của huyện Gia Viễn. Con đê được khởi công, bồi đắp vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, là ranh giới phía Nam của khu bảo tồn: ngoài đê là khu bảo tồn, trong đê là làng xóm trù phú. Con đê vừa làm sứ mạng ngăn lũ bảo vệ đồng ruộng, xóm làng, vừa là ranh giới vững chắc giữa vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn.
Phương tiện di chuyển trên tuyến một chủ yếu bằng thuyền nan. Người dân nơi đây thường dùng thuyền tre để chở khách tham quan khu bảo tồn. Họ truyền nhau và kể cho du khách nghe câu chuyện “Thuyền tre đè thuyền thúng”. Câu chuyện gắn liền với Đinh Tiên Hoàng Đế nước Đại Cồ Việt. Đây có thể là phát kiến đầu tiên của vị Hoàng Đế khi còn ở tuổi mục đồng. Chuyện kể rằng: Thuở còn nhỏ, Vân Nga được gọi là Dương Nương (cô gái họ Dương). Dương Nương thường cầm đầu lũ trẻ trai và gái làng Nga Mi (quê mẹ) chiếm một vùng đất rộng để thả trâu nên được tôn làm nữ tướng. Ở động Hoa Lư gần đó cũng có một cậu bé tên là Đinh Bộ Lĩnh được lũ trẻ trâu tôn làm tướng kéo nhau lên chiếm mất nhiều bãi chăn thả của quân Nga Mi. Dương Nương giận lắm quyết tìm cách chiếm lại cho bằng được. Dương Nương huy động chặt nứa, tre đan thành những thúng lớn, lấy sắn rừng để sảm thành thuyền (gọi là thuyền thúng). Cứ ba người một thuyền, người chèo, người cầm gậy, hoặc kiếm nứa khi quân của Đinh Bộ Lĩnh đến quân Nga Mi chèo thuyền ra đánh đuổi quân Bộ Lĩnh lên tận động Hoa Lư và giành lại bãi chăn thả. Sau đó Bộ Lĩnh nghĩ ra cách sáng chế ra thuyền tre, chiếc thuyền được đan từ những cây tre, thon dài, nhỏ gọn, nếu bị lật thì không chìm hẳn mà vẫn nổi trên mặt nước. Quân Nga Mi của Dương Nương lại thua lần nữa nhưng sau đó không thấy sự tranh giành bãi chăn thả của hai đội quân.
Trải qua bao thế hệ, chiếc thuyền tre mà người dân dùng để chở du khách chính là chiếc thuyền tre mà Đinh Bộ Lĩnh đã sáng tạo ra từ ngàn năm trước đây.
Xuất phát từ bến thuyền ngắm nhìn những thảm thực vật phong phú của Vân Long du khách sẽ đến khu Đồng Thầy. Người dân ở đây kể lại rằng, cửa Đồng Thầy xưa vốn là khu ruộng dành để cấy lúa nuôi thầy đồ. Ruộng thầy là lệ ngàn đời của làng xã trọng sự học. Ruộng này là ruộng của cụ Lê Khả Lãng Thái uý tự quốc công, khai quốc công thần nhà Lê được vua Lê Thái Tổ ban cho, giao cho người cấy đong thóc cho làng, thóc ấy làng để nuôi thày dạy học cho con em của làng. Ngay cửa Đồng Thầy là núi Ông Đồ, núi không hẳn cao to nhưng đủ vững chãi, bề thế đứng trong trời đất kẽm Trăm. Cách chân núi Ông Đồ không xa có một tảng đá lớn, rộng và phẳng người dân ở đây gọi là bàn văn. Đây là nơi thầy đồ cùng học trò đàm luận văn chương kinh sử để chờ ghi tên vào “Bảng vàng” ra làm quan, phò vua giúp nước.
Qua khu Đồng Thầy du khách sẽ vào khu vực hang Bóng. Hang dài khoảng gần 100m, có những nhũ đá rất đẹp. Bóng những nhũ đá này in xuống mặt nước trong vắt nên người dân ở đây đặt tên là hang Bóng. Qua hang Bóng rẽ sang phía Đông du khách sẽ vào kẽm Trăm với những huyền thoại về bốn nữ tướng thời Trưng Nữ Vương đánh quân Hán những năm 40-43 gọi là Tứ Vị Hồng Nương. Bốn nữ tướng tên là Hồng, sinh ra và lớn lên, luyện võ nghệ, học binh thư và luyện quân ở đất Vân Long này. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh bốn bà mang quân phò giúp đánh quân nhà Hán. Thắng lợi trở về, được Trưng Vương gia phong nhưng chỉ xin miễn thuế, miễn phu dịch cho dân từ kẽm Trăm của Vân Long đến Chi Nê (nay thuộc Hoà Bình) để dân được cày cấy làm ăn, tục truyền từ ngàn đời nay “thượng chí Chi Nê, hạ chí kẽm Trăm” là Vân Long đất của bốn bà. Dân trong vùng biết ơn lập đền thờ bốn bà ở khắp thôn làng. Hiện ở chân núi Mão Sơn có đền thờ Tứ Vị Hồng Nương và thân mẫu của các bà. Núi của kẽm Trăm không chót vót nhưng dựng vách thành, đây đó dưới chân là những tầng đá trượt, đá sụt kết quả của biến động karst mà thành. Mặt nước ở đây không rộng chỗ rộng nhất chừng ba bốn mươi mét, chỗ hẹp thì khoảng mười đến hai mươi mét, sóng không lớn chỉ hơi lăn tăn, nước không thật sâu nhưng trong và xanh, óng ánh như rát vàng khi nắng mai lên và thẫm xanh khi chiều dần buông xuống.
Bên này của kẽm Trăm là Hoàng Quyển, vách đá xanh dựng đứng, bên kia là núi Đồng Quyển sừng sững, nơi duy nhất có dấu tích của sóng gió đóng khép tạo thành Kẽm.
Rời kẽm Trăm thuyền đưa du khách quay trở lại Trung tâm bến thuyền Vân Long. Kết thúc tuyến tham quan.
Ảnh Đầm Vân Long
– Tuyến 2: Trung tâm bến thuyền Vân Long – Đền Mẫu – Chùa Thanh Sơn Tự – Vườn Thánh – Chùa Bái Vọng – Hang Thúi Thó – Trung tâm bến thuyền Vân Long (thời gian tham quan và đi về khoảng 2 giờ).
Tuyến 2 là sự kết hợp hài hoà giữa loại hình du lịch sinh thái và loại hình du lịch tâm linh. Ngoài ra đây cũng chính là nét đặc trưng về đất và người Vân Long thuộc xã Gia Vân, huyện Gia Viễn. Đối tượng tham quan của chúng ta bao gồm 3 điểm tham quan chính là Đền Mẫu, chùa Thanh Sơn, Vườn Thánh, ngoài ra chúng ta còn được hoà mình vào thiên nhiên, cảm nhận được sự đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ.
Đền Mẫu: Toạ lạc trên một bãi đất rộng bằng phẳng khoảng 800 m2 trông ra đầm Vân Long. Người xưa đã chọn một thế đất theo phong thuỷ rất đẹp với thế “tiền thuỷ hậu sơn” biểu thị cho sự minh – là sáng và tựa lưng vào núi biểu tượng cho sự vững trãi lâu bền. Đền có kiến trúc hình chữ nhị bên ngoài là 3 gian tiền tế, phía sau là hậu cung thờ tứ vị hồng nương và sau cùng là đền thờ Mẫu là mẹ của tứ vị Hồng nương. Tuy là hai đền khác nhau nhưng đền thờ thân mẫu và đền thờ tứ vị Hồng Nương là cụm kiến trúc liền khối, là sự gắn bó mẹ con khép kín tạo sự thống nhất một cách hữu cơ của một di tích văn hoá tâm linh cổ, tạo thành nét đẹp văn hoá tinh thần của khu du lịch đất ngập nước Vân Long. Bên ngoài, phía đầu đông là am thờ quan ngũ hổ, bên cạnh là nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã Gia Vân; đầu phía tây là am thờ bà Chúa. Theo truyền thuyết để lại, đền thờ có từ rất lâu vào khoảng năm những năm 40 sau Công nguyên vào thời Bà Trưng, bà Triệu. Đền thờ cũng đã đôi lần được trùng tu lại, gần nhất là vào năm 1999 chính quyền xã Gia Vân và bà con trong xã đã trùng tu, tôn tạo lại 3 gian tiền tế theo đúng với kiến trúc của đền trước kia nhưng xây dựng bằng các vật liệu hiện đại xi măng cốt thép, mái lợp ngói ta. Đây là nơi tạo soạn hay còn gọi là nơi để du khách hành hương về đến đây chuẩn bị lễ vật trước khi vào thắp hương tứ vị hồng nương cầu cho gia đình, bè bạn được an lành, gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống, sự nghiệp.
Tiếp theo là hậu cung thờ tứ vị Hồng nương là 4 vị nữ tướng đã có công cùng với Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh đuổi giặc Hán giữ yên bờ cõi nước Nam. Hậu cung không lớn, chỉ đủ để đặt tượng thờ tứ vị Hồng Nương, các bà mặc áo hồng, riêng bà thứ ba đội khăn trắng. Trải qua thời gian, các triều đại phong kiến nước ta đã phong sắc cho bốn bà là: Đệ nhất tứ vị Hồng Nương (bà cả), Đệ nhị tứ vị Hồng Nương (bà hai), Đệ tam tứ vị Hồng Nương (bà thứ ba), Đệ tứ vị Hồng Nương (bà thứ tư).
Trong cùng là đền thờ mẫu là mẹ của tứ vị Hồng Nương, Tương truyền đền thờ rất linh thiêng, du khách đến đây để cầu an lành, thông minh và đỗ đạt. Thông qua câu truyện truyền thuyết của bốn bà chúng ta càng thêm tự hào về đất và người nơi đây. Truyện kể rằng:
Vào thời Đông Hán nơi đây có nàng Đại con gái họ Mai đến cư ngụ nhà ông cậu là Đinh Công Bình ở Vân Long. Nhà người cậu nghèo, nàng xin được ra xứ Đá Hàn dưới chân núi Tam Phong (Ba Chon) dựng gian nhà cỏ để ở. Hằng ngày nàng vào rừng kiếm củi nuôi thân. một hôm tiết trời oi ả, trên đường gánh củi về nàng dừng chân ngồi nghỉ trên phiến đá, tựa lưng vào một gốc cây to dưới tán lá rừng rậm rạp. Gió hây hẩy thổi nhè nhẹ đưa nàng vào giấc ngủ lúc nào không hay. Chợt có tiếng hổ gầm làm nàng bừng tỉnh, nhìn ra thấy một con hổ đen từ phía trước lao tới bên mình. Nàng Đại bàng hoàng lăn ra đất bất tỉnh. Khi thức dậy thì trăng đã mọc cao. Hổ đen biến mất, bốn bề sực nức hương thơm. Nàng đứng dậy ra về và nàng mang thai từ đó. Hơn một năm sau nàng sinh hạ đựơc bốn người con gái. Vô cùng hoảng sợ nàng đã đem con vào ở luôn trong núi, sau đó ít lâu nàng lâm bệnh rồi mất. Hổ đen chính là Hắc hổ sơn quân đã đem thi thể nàng lên táng trên núi và nuôi bốn người con gái bằng nhị hoa, nước quả và các sản vật của núi rừng. Các cô lớn rất nhanh và cứng cáp. Một hôm tối trời Hắc hổ sơn quân xuống núi, đem theo 4 trẻ thơ đặt vào sân nhà ông cậu Đinh Công Bình. Ông cậu đã đặt một tên chung cho cả bốn người cháu là Hồng, hàng ngày chăm sóc, dạy dỗ cẩn thận. Chẳng bao lâu, bốn cô đều trưởng thành và có nhan sắc tuyệt trần, sức khoẻ vô song. Dân trong vùng gọi là “tiên nữ núi Tam Phong (Ba Chon)”. Dưới thời thuộc Hán, dân ta vô cùng khổ cực. Bốn nàng Hồng đã đứng lên chiêu mộ quân sĩ, chống giặc. Nghe tin bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, bốn chị em Hồng nương liền kéo quân về Mê Linh đi theo hai Bà Trưng. Dẹp xong giặc Hán, hai Bà Trưng xưng vương và muốn lưu tứ vị Hồng Nương lại triều đình giúp chính sự. Nhưng bốn nàng Hồng xin được về quê để tìm Hắc hổ sơn quân và tìm mộ sinh mẫu. Bốn nàng đã cho dựng đền thờ sinh mẫu ở núi Mã Sơn, truyền giết trâu, mổ lợn sửa soạn tế lễ. Trưng Vương ở ngôi được 3 năm, nhà Hán lại sai Mã Viện làm phục Ba tướng quân và Phù lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược nước ta. Sau trận thua to ở Lãng Bạc. Tứ vị Hồng Nương thoát khỏi trùng vây chạy về quê hương đóng quân trên núi Ba Chon. Bỗng nhiên trời đất tối tăm, mưa to gió lớn nổi lên, 4 tướng Hồng nương đều hoá. Quân sĩ và dân trong vùng làm lễ an táng bốn bà tại đây. Một hôm Sĩ Vương vào quận Cửu Chân, khi đến núi Ba Chon trông thấy 4 người con gái mặc áo đỏ, cưỡi hổ đen đi từ trong núi hiện ra rồi biến mất. Sĩ Vương lấy làm lạ, bèn cho mời các cụ lão trong làng hỏi rõ sự tình. Nghe xong, biết đó là Tứ vị Hồng Nương thời Trưng Vương, Sĩ Vương đã truyền cho quân sĩ và nhân dân trong vùng lập đền thờ các bà ở xứ Đá Hàn bên núi Ba Chon.
Chùa Thanh Sơn Tự: Từ đền Mẫu men theo chân núi là đến hang Canh bên tay phải du khách. Hang Canh thấp, nhưng trong cũng có nhiều nhũ đá. Trong hang có lối lên trời và lối xuống âm phủ. Đường xuống âm phủ sâu, nghe văng vẳng như có tiếng đàn thánh thót do nước từ các nhũ đá đều đặn nhỏ rơi, tạo nên bản nhạc ngàn đời không bao giờ dứt. Tương truyền, ngày xưa bỏ một quả bòng to có đánh dấu xuống hang sâu này vào mùa nước lớn, mấy ngày sau, thấy quả bòng đó nổi lên ở sông Đáy. Hang đã hình thành hai ngả âm dương đối đãi. Đó là điều tuyệt diệu của tạo hoá.
Qua hang Canh vẫn theo đường men chân núi, du khách đến hang Oản. Gọi là hang Oản, vì trong hang có dòng nước trong chảy thông ra đến tận sông Đáy, tương truyền, vào dịp lễ chùa, dân địa phương phải làm oản cúng Phật, lấy nước ở hang thổi xôi thì oản mới thơm và dẻo.
Từ hang Oản vẫn đi theo đường chân núi, du khách sẽ đến Thanh Sơn Tự (chùa Thanh Sơn). Người dân địa phương còn kể lại một câu chuyện khá lý thú. Trước đây ngôi chùa thờ Phật ở trong làng. Vô tình ngôi chùa bị cháy. Tự nhiên có cọng than bay lên trời và lượn vòng vèo rơi vào một vách đá ở núi Mèo Cào. Chỗ đó cây cối rậm rạp, nền đất chân núi nhô ra. Người ta vạch cây thấy cọng than rơi ở vách núi có độ cao khoảng 40 mét so với chân núi. Do điều kỳ lạ đó, họ chặt cây, leo lên thì thấy một động đẹp, nền bằng phẳng, rộng khoảng 4 đến 5 gian nhà, cao khoảng 15 mét. Thế là họ lập chùa thờ Phật ở trong động ngay từ đó. Họ đã biến động làm chùa. “Ngôi chùa” có dáng hình một nhà vòm, đặt các tượng Phật sơn son thiếp vàng lộng lẫy, uy nghiêm, nhân từ.
Điều đặc biệt ở “chùa” này là trên trần và các vách động không hề có một nhũ đá nào và vách đá không nhẵn lỳ, mà sù xì như tạo cách âm, lại có từng mảng mầu đá khác nhau: đỏ, xanh, vàng, tím, trắng, đen,… đủ bảy sắc cầu vồng. Có chỗ màu sắc đan xen, có chỗ mằu sác tách riêng ra từng mảng. Nhiều gam màu rất hoàn hảo. Những hoạ sỹ đến đây sẽ bàng hoàng trước những mảng màu tự nhiên như thế. Những mảng màu này đã có từ rất lâu nhưng chưa hề phai nhạt. Đó chính là hang “Bảy sắc cầu vồng” của tạo hoá đã ban tặng riêng cho nơi đây. Rất hiếm các hang động có màu sắc như thế!
Điều độc đáo nữa ở “chùa” là hành lang bên phải du khách, ở lưng chừng có một đường rãnh, cửa nhỏ bằng miệng thúng ăn sâu vào lòng núi. Từ cửa này, một năm chỉ có một ngày, không rõ nước từ đâu đổ về, chảy vào động, gọi là nước rửa chùa. Nước đổ về đã làm cho nền động sạch bong không còn đất cát bám vào và đất đá trôi theo đã làm bồi đắp thêm cho mảnh đất dưới chân núi rộng ra đến gần 3 sào. Bên sườn núi và trên nền đất đó hiện còn những cây dại, cây sung, cây gạo to,… đã sống rất nhiều năm để bao phủ cho chùa thêm xanh tươi, đẹp đẽ đúng như tên gọi “Chùa núi xanh”.
Vườn Thánh: Là một khu đất rộng chừng 30 ha nằm xen kẽ giữa núi non trùng điệp của một vùng mây núi Vân Long. Có tên là vườn Thánh vì nơi đây đã từng gắn với những câu truyện truyền thuyết từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Khi xưa, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận tại thung lau (nhân dân trong vùng quen gọi là thung ông) – nay thuộc xã Gia Hưng, sau đó đã chiêu mộ quân sĩ dẫn quân đi dẹp loạn 12 xứ quân. Trong cuộc đao binh không thể tránh khỏi những thương vong, quân sĩ những người bị thương đã được đưa về đây chữa trị. Một trong những điều kỳ lạ là cây cỏ ở đây đều là những vị thuốc vô cùng hiệu nghiệm, chỉ cần lấy chúng giã ra đắp vào vết thương, vết thương sẽ nhanh chóng lành. Từ đó, nhân dân trong vùng tin rằng đây là khu vườn thuốc có công hiệu đặc biệt và đặt tên là Vườn Thánh. Sau này thời kỳ chống Pháp là căn cứ hoạt động của du kích địa phương, nơi đây cũng góp nhiều chiến công quan trọng.
Chùa Bái Vọng – hang Thúi Thó: Tại hang Thúi Thó có vết tích người Việt cổ ở cách đây khoảng 5000 – 7000 năm (hoá thạch: vỏ ốc, vỏ sò, vỏ hến có kích thước 1,6m x 0,5m x 0,45m), trên vách đá có chữ viết cổ.
Tham quan xong Chùa Bái Vọng – hang Thúi Thó du khách xuống thuyền trở về Trung tâm bến thuyền Vân Long.
Hành trình tham quan khu du lịch sinh thái Vân Long xin được dừng lại tại đây. Xin cảm ơn quý khách! Kính chúc quý khách có nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và may mắn. Hẹn gặp lại!
Với tài liệu tham khảo này, Hải Đăng Travel hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử trên dải đất hình chữ S. Thân mến!
Nguồn: Sở Du Lịch Ninh Bình