BÀI THUYẾT MINH TUYẾN DU LỊCH BẾN THUYỀN TRÀNG AN – ĐỀN TRÌNH – ĐỀN SUỐI TIÊN – HÀNH CUNG VŨ LÂM
(Tuyến 2 Khu du lịch sinh thái Tràng An)
Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình nằm ở rìa phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam. Tổng diện tích của khu vực Quần thể là 12.252ha, tọa độ điểm trung tâm của Quần thể danh thắng Tràng An là khu vực đền Trần (đền Nội Lâm). Trong đó vùng lõi khu di sản Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 hecta nằm trong khối đá vôi Tràng An. Chỉ tính riêng số hang xuyên thủy đã được khám phá tại nơi đây là 48 hang động xuyên thủy, 31 thung lũng cùng 50 động cạn. Vùng đệm bao quanh với diện tích 6.026 hecta chủ yếu là các cánh đồng lúa, bao gồm 40 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh với 18 di tích và cấp quốc gia với 20 di tích. Đặc biệt ngày 25/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar) Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An – tỉnh Ninh Bình – Việt Nam vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí: Văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Nằm ở trung tâm của Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch sinh thái Tràng An có diện tích 2.168 ha là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền hàng trăm hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí. Khu du lịch Tràng An có quần thể hang động nổi tiếng như: hang Ba Giọt, hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Ao Trai, hang Seo, hang Lấm, hang Đại,.. và các thung lũng như: thung đền Trần, thung Mây, thung Nấu rượu, thung Khống, thung Nội Lấm… các hang xuyên thuỷ dài và đẹp mới được khai thác sẽ làm cho du khách ngỡ ngàng. Tất cả dường như hoà quyện vào nhau tạo nên một không gian kỳ thú. Nơi đây đan xen những dãy núi đá vôi là hệ thống các thung lũng hang động xuyên thủy, những thảm thực vật rừng nhiệt đới nguyên sinh quanh năm có sương sớm mây chiều, đây cũng là điểm giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và văn hóa, giữa thiên nhiên và con người. Đến với Tràng An, quý khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, khám phá cội nguồn sự sống của nhân loại thuở ban sơ, có dịp ngược dòng thời gian trở về với những trang vàng lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, dân tộc ta từ thuở sơ khai đến các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần…
Ảnh Tràng An Ninh Bình
Kính thưa quý khách, khu du lịch sinh thái hang động Tràng An gắn liền với khu di tích cố đô Hoa Lư. Về thăm Tràng An là du khách được chiêm ngưỡng, khám phá lại hệ thống phòng thủ của Kinh đô Hoa Lư thuở trước và hiểu thêm được vì sao vua Đinh Tiên Hoàng lại chọn nơi đây làm đất định đô. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và chọn Hoa Lư là vùng núi non hiểm trở để làm kinh đô. Tại đây, ông cho xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi xây dựng một công trình phòng ngự kiên cố trở thành một pháo đài hiểm trở, biệt lập với bên ngoài. Khi xây dựng các tường thành, vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên để phục vụ cho con người, ông nối những dãy núi đá vôi với nhau bằng các tường thành nhân tạo để tạo nên một đô thành vững trãi, độc đáo mà không nơi nào có được. Khu du lịch hang động Tràng An cũng thuộc dãy núi Thành Trì Thiên Tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Quý khách có thể thấy xung quanh nơi đây núi bao bọc bốn phía, ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động, mà điều kỳ diệu ở đây là các hang động này lại được thông với nhau bởi các thung nước, một nơi hết sức hiểm trở tạo nên cho kinh đô Hoa Lư thế phòng thủ vững chắc, những ngọn núi cao chót vót kia chính là những đài quan sát, những tường thành kiên cố bảo vệ kinh đô Hoa Lư. Thời gian có thể làm huỷ hoại những công trình kiến trúc cung điện, đền đài nhân tạo nhưng những tường thành núi đá này mãi mãi tồn tại, chính vì thế kinh đô Hoa Lư còn được gọi là Kinh đô Đá.
Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An còn được ví như một “bảo tàng địa chất ngoài trời” toàn bộ khu vực Tràng An được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Các nhà khảo cổ và địa chất khẳng định khu hang động Tràng An – Hoa Lư xưa là một vùng biển cổ, cách ngày nay khoảng 251 triệu đến 200 triệu năm, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Những khe nứt của sự vận động đó tạo ra các dòng chảy trong hang động đá vôi. Quý khách có thể nhìn dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi có các hàm ếch, đó chính là dấu tích của biển tiến, biển thoái. Theo các nhà khoa học, các hang động karst nổi tiếng của vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình và phụ cận có cách đây 4.000 năm là một “Hạ Long” ngày nay. Do đó, người ta gọi vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình là “Hạ Long trên cạn”. Trong hệ thống hang động karst đặc sắc nhất là loại hang nước nằm ngang, xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên, những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi khác thành một dòng nối liền giữa các thung với nhau.
Kính thưa quý khách hiện nay, khu du lịch sinh thái Tràng An đã đưa vào khai thác phục vụ khách đến thăm quan hai tuyến du lịch đường thuỷ xuất phát từ bền thuyền Tràng An. Tuyến số một quý khách đi tham quan 3 điểm tâm linh và 9 hang động theo một vòng tròn khép kín. Tuyến du lịch Tràng An 2 mà ngày hôm nay chúng ta tham quan là một tuyến du lịch rất mới, được đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ năm 2015, đang tiếp tục được trùng tu, xây dựng, ngày càng thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước. Lộ trình tham quan của đoàn hôm nay sẽ đi từ: Bến thuyền – hang Lấm – đền thờ thần Cao Sơn – hang Vạng – hang Thánh Trượt – núi Địa Linh – đền Suối Tiên – Núi Kim Quy – hang Đại – hành cung Vũ Lâm – trở về bến thuyền. Thời gian tham quan khoảng 3 tiếng đồng hồ với khoảng hơn 10 km đường thủy. Khác với những tuyến du lịch khác, ở tuyến này quý khách sẽ đi một đường và lúc về các cô bác lái đò sẽ đưa chúng ta theo một đường khác, theo một vòng tuần hoàn khép kín không lặp nhau, với 4 hang động (hang Lấm, hang Vạng, hang Thánh Trượt, hang Đại), và 3 điểm tâm linh (đền thờ thần Cao Sơn, đền Suối Tiên và cụm tâm linh đặc biệt Hành cung Vũ Lâm).
Bắt đầu hành trình, các cô bác lái đò đưa chúng ta lướt nhẹ trên 1 nhánh sông Sào Khê lịch sử, nước trong xanh như một viên ngọc nên người dân địa phương còn đặt cho nó với một tên gọi mĩ miều là dòng suối Ngọc. Độ sâu của sông Sào Khê dao động khoảng 2 – 2,5m, tùy từng khúc, từng đoạn, từng mùa mà có độ nông sâu khác nhau, vào mùa mưa (tháng 7 – tháng 9), nước dâng cao khoảng 3 – 4m, để đảm bảo an toàn cho quý khách nên đã cung cấp đầy đủ hệ thống áo phao trên thuyền. Sào có nghĩa là ngòi, khê có nghĩa là khe, là con ngòi nhỏ chảy luồn lách qua những khe núi. Dòng sông đã chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, hơn 1000 năm trước sông đã nâng thuyền đưa Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân, 12 năm sau sông nâng thuyền đưa Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long (Hà Nội). Hai bên bờ trước đây là những cánh đồng lúa của bà con canh nông. Năm 2003 thấy được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất này, Nhà nước cùng với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã đầu tư nạo vét những thung lũng, cải tạo lại những hệ thống hang động và phục dựng lại những điểm di tích lịch sử tưởng chừng như đã ngủ yên hơn 10 thế kỷ thức giấc bừng sáng sau đêm dài để trở thành tuyến du lịch nổi tiếng như ngày hôm nay.
Hang động đầu tiên quý khách sẽ đi qua là hang Lấm, là một trong những hang động ngắn nhất ở Tràng An, với chiều dài 60m. Tương truyền khi xưa xung quanh đây là vùng đồng ruộng, người dân địa phương thường vào những thung lũng bên trong để trồng cấy lúa, và khi đưa những nông sản ra bên ngoài vì đi đường núi khó khăn, nên người ta đã sử dụng thuyền đi qua hang động. Do lớp sình lầy bên dưới rất nhiều, đi qua thường lấm lem bùn đất nên gọi là hang Lấm.
Sau khi quý khách ra khỏi hang Lấm, các cô bác lái đò sẽ đưa chúng ta vào tham quan thung lũng nước có tên gọi là thung Nội Lấm. Với diện tích gần 90 nghìn m2, chiều Đông – Tây, Nam – Bắc (từ 250m đến 300m).
Điểm tâm linh đầu tiên xin giới thiệu với du khách đó là đền thờ thần Cao Sơn. Đây là ngôi đền mới được đầu tư xây dựng, thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần. Tương truyền rằng Đinh Bộ Lĩnh từ thuở còn hàn vi đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động ở vùng núi này. Khi xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng Đế cũng cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà dân gian gọi là Hoa Lư tứ trấn. Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được xây dựng có thế tựa lưng vào núi, thung lũng nước ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Theo như thần phả của đền núi Hầu (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng ở hành cung Vũ Lâm, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ trong khu chùa cổ Bái Đính. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của Cố đô Hoa Lư.
Kính thưa quý khách! Theo người dân địa phương, trước đây đường dẫn nước vào thung Nội Lấm chỉ là một mương nước nhỏ, có thể chống sào đẩy thuyền, hai bên là ruộng canh tác trồng lúa và trồng màu của người địa phương. Khoảng 10 năm trước, Doanh nghiệp đã tiến hành nạo vét, tháo nước cải tạo lại khu vực này như hiện tại. Trong quá trình hút bùn, khai thông và mở rộng dòng chảy, đã phát hiện nhiều dấu tích lịch sử. Trong khu vực thung, dưới chân núi phía Bắc có một ngôi miếu nhỏ thờ các vị thần nhà Đinh. Miếu có móng được xây bằng đá, tường gạch lợp ngói. Những dấu vết nền móng rộng hơn và mảnh gạch ngói cho thấy ngôi miếu vốn có quy mô rộng hơn, nhưng đã qua nhiều lần sửa chữa và thu nhỏ lại so với kích thước ban đầu. Sau thời gian tiến hành khai quật, thám sát khảo cổ học thung Nội Lấm – một địa điểm thuộc hành cung Vũ Lâm thời nhà Trần, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích đáng chú ý, như dấu tích khu vực chứa sét nguyên liệu làm gốm, dấu tích cây gỗ trong lớp bùn đen, dấu tích đá kè đường đi hoặc làm bến nước, dấu tích đường đắp đất…Kết quả này cho thấy khả năng đã có hoạt động sản xuất gốm tại khu vực này. Bên cạnh đó, số lượng các di vật thu được với hàng ngàn mảnh vỡ nằm ở trên bề mặt và mảnh di vật các loại xuất hiện trong các hố đào. Kết quả khảo sát và thám sát cho thấy con người có thể đã khai thác thung lũng này từ rất sớm. Số lượng lớn đồ sành, gốm men thời Trần như: Các mảnh tháp men xanh lục, mảnh đất nung trang trí hình rồng; các bát đĩa, âu, liễn, bình lọ… bằng gốm men ngọc, men trắng, men nâu, hoa nâu, hoa lam …; các vật dụng bằng sành như vại, chum, vò, lọ, chậu, bình, âu, nắp vung…; các đồ đun nấu bằng gốm, các khối gạo, thóc hóa than v..v.., thuộc những thời kỳ muộn hơn hoặc sớm hơn. Cuộc thám sát cung cấp thêm bằng chứng về việc sử dụng khu vực này làm căn cứ địa. Những mảnh tháp mang phong cách thời Trần cũng cho thấy sự có mặt của các hoạt động tín ngưỡng Phật giáo vào thời Trần ở đây.
Tiếp tục hành trình, quý khách đến với hang Vạng có chiều dài 250m. Vạng có nghĩa là vọng, khi vào trong hang động này, nói có tiếng vang to hơn. Trước đây, khi người dân địa phương vào những thung lũng bên trong trồng cấy lúa, kiếm củi, săn thú chưa có những phương tiện hiện đại như bây giờ để gọi, nên họ vào những hang động này gọi, khi hò hét thì tiếng vang vọng hơn. Hang này còn có tên gọi nữa là hang Cá, vì trong hang có rất nhiều các loại cá.
Ra khỏi hang Vạng quý khách sẽ đi qua Thủy Đình, theo quan niệm tín ngưỡng dân gian thì xưa kia, đây là nơi vua Đinh cho những dàn nhạc công biểu diễn văn hóa dân gian như múa rối nước, hát chèo, trầu văn, quan họ…Nhưng Thủy Đình ở đây còn được treo một quả chuông lớn và được thỉnh lên vào những ngày lễ lớn và chuông chính là bảo pháp của nhà Phật, mỗi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời dừng nghỉ chúng sinh chịu hình phạt tạm thời được an vui. Hiện nay, vào các dịp lễ hội đầu năm có các dàn nhạc dân tộc ngồi tại đây biểu diễn phục vụ cho du khách đến tham quan, thưởng thức.
Qua Thủy Đình là đến hang Thánh Trượt dài 300m. Tương truyền rằng, thời vua Lý Thần Tông, khi thánh Nguyễn Minh Không đi qua đây tìm thuốc chữa bệnh cho vua đã say đắm trước cảnh sắc nơi đây nên trượt chân ngã, vì thế có tên là hang Thánh Trượt. Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không (1065 – 1141) tên húy là Nguyễn Chí Thành sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay là làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình). Ông là vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý, được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh hóa hổ cho vua và chữa bệnh cho nhân dân mà ông cùng với Trần Hưng Đạo, là những nhân vật lịch sử có thật, sau này được người Việt tôn sùng là đức thánh Nguyễn, đức thánh Trần. Một số ghi chép xưa xếp ông là vị thánh trong tứ bất tử. Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông.
Kính thưa quý khách! Qua hang Thánh Trượt đi thuyền khoảng 20 phút chúng ta sẽ đến đền Suối Tiên. Trên đường di chuyển nằm giữa dòng sông du khách có thể nhìn thấy ngọn núi giống như bông sen của nhà Phật được nhân dân đặt tên là Địa Linh, với ý nghĩa là linh khí đất trời hồn thiêng sông núi hội tụ tại nơi đây. Nhìn từ xa ngọn núi giống như bông sen cách điệu hay giống như chiếc bút của vị thần khổng lồ và vách núi dựng đứng xếp thẳng hàng giống trang sách được mở ra để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cho ông thuở trước lưu danh những anh hùng lịch sử của dân tộc để thế hệ mai sau mãi tiếp bước và viết tiếp những dòng sử vẻ vang.
Gần đền có nhà tranh vách đất tái hiện lại cuộc sống của người Việt cổ, có cối xay lúa, nơm úp cá…vào dịp lễ hội đầu năm có dàn nhạc cụ ở đây biểu diễn. Ngôi đền này thờ Thánh Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ông, ông là một vị tướng tài ba thời Hùng Vương thứ 18. Theo truyền thuyết dân gian, Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong ba anh em – ba vị tướng đã được phong Thánh (Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn và Đức thánh Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một “thượng đẳng thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng khi dân gian cầu đảo.
Tương truyền rằng, vùng xung quanh nơi đây có nguồn nước rất trong và sạch, các cô tiên hay xuống đây tắm nên gọi là đền Suối Tiên. Trước đây, khi đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, khu vực này là nơi thâm sơn cùng cốc, có rất nhiều thú dữ, người dân vào đây kiếm củi, săn thú rất lo sợ những con vật hung dữ này. Khi đó, họ rất tin tưởng vào đức độ, sự hiển linh của vị thánh Quý Minh Đại Vương. Vua Đinh cho xây dựng ngôi đền này với mục đích nhằm mượn uy danh của Đức Thánh để trấn trạch 4 phương đông, tây, nam, bắc của kinh thành Hoa Lư xưa. Thực chất, ngôi đền cổ thờ ngài là ngôi đền trấn trạch phía Nam. Theo tâm linh của nhà Đinh, phía Đông là động Thiên Tôn, phía Bắc là đền Thánh Nguyễn Minh Không, phía Tây là chùa Bái Đính, phía Nam là đền Trần bên tuyến 1. Ngôi đền Suối Tiên được rước chân nhang từ đền Trần sang, phục dựng y hệt như đền Trần để tiện cho việc thờ cúng.
Đền Suối Tiên được xây dựng lại trên nền móng cũ, bằng 4 loại gỗ đinh, lim, sến, táu. Kiến trúc ngôi đền này mang dáng dấp hiện đại, lớn hơn đền Trần bên tuyến 1. Trong đền, tượng Thánh Quý Minh Đại Vương tay cầm bảo trượng giống như là thượng thương bảo kiếm, khăn đai mũ áo chỉnh tề tượng trưng cho một bậc chính nhân quân tử, văn võ toàn tài. Bên cạnh ông là phu nhân, tay cầm quạt tượng trưng cho bậc tiên tri, bà là người quân sư, cũng như giúp việc cho chồng rất nhiều. Hai bên thờ các vị quan văn, quan võ. Có đặt 2 bức tượng ngựa trắng và đỏ tượng trưng cho yếu tố âm và dương. Trong đền còn có bức sắc phong Thánh Quý Minh Đại Vương năm 1783 – Triều vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng 44.
Hàng năm, vào ngày 18/3 âm lịch, lễ hội truyền thống Tràng An (Thánh Quý Minh Đại Vương) được tổ chức tại đền Trần (Nội Lâm), đền Suối Tiên. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức Thánh Quý Minh Đại Vương – người đã có công trong sự nghiệp bảo vệ và gìn giữ nước nhà, đồng thời cũng là dịp để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, rước kiệu và rước chân nhang từ đền Trần về đền Suối Tiên; Lễ rước nước và nghi lễ dâng hương tại đền Suối Tiên, Hành cung Vũ Lâm; Lễ hô thần nhập tượng tại đền Suối Tiên…Cùng với vẻ đẹp của địa thế Quần thể Danh thắng Tràng An với sự hấp dẫn ở hệ thống hang động, hệ thống thung nước liên hoàn, tạo thành một vòng tròn khép kín, lễ hội truyền thống Tràng An (Thánh Quý Minh Đại Vương) sẽ góp thêm một nét đẹp văn hóa, tạo sự hấp dẫn trong chuỗi hành trình du lịch của du khách khi đến với Quần thể Danh thắng Tràng An.
Sau khi tham quan và chiêm bái đền Suối Tiên, quý khách lên thuyền trở về, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các thế núi xếp tầng, hang động huyền bí, sông nước hữu tình và những di tích linh thiêng, những hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm. Du khách có thể chiêm ngưỡng ngọn núi Kim Quy hay còn gọi là núi Rùa – đây là một trong những ngọn núi đẹp, có hình dáng con Rùa và mang ý nghĩa cho sự trường tồn vĩnh cửu, mong muốn không chỉ cho con người mà sâu rộng hơn là cho sự trường tồn của vùng đất kinh đô Hoa Lư mãi mãi an bình và phát triển.
Kính thưa quý khách! Điểm tham quan tiếp theo mà du khách đi qua là hang Đại, dài 150m. Đại có nghĩa là lớn, đúng như tên gọi, hang Đại là một trong những hang có lòng hang rộng nhất trong Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Qua hang Đại, quý khách đến cụm tâm linh đặc biệt Hành cung Vũ Lâm. Đây là nơi các vua nhà Trần lập căn cứ địa để củng cố lực lượng, tích trữ lương thảo, rèn luyện binh khí và chờ cơ hội phản công chống giặc Nguyên Mông thế kỷ 13. Nằm ngay trong vùng núi thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa. Các vua đầu nhà Trần lập căn cứ địa ở Vũ Lâm để củng cố lực lượng, phản công giải phóng Đại Việt trong cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai. Nơi đây còn gắn với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang Phật giáo.
Vua Trần Thái Tông là người ưa Thần Phật, sùng Tiên Thánh, thích đi vân du để tìm vẻ đẹp của giang sơn đất nước, tìm nơi tĩnh lặng để tu thiền. Trên con đường phi mã thiên lý bắc – nam, khi đi qua đất Tràng An – Ninh Bình, nhìn về phía tây, ngài thấy dải Phi Vân Sơn hùng vĩ, phía dưới là sông ngòi uốn khúc, phía trong lại có các hang xuyên thủy nối liền. Say đắm cảnh nước lạ, núi đẹp, ngài đã sai người dựng am để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng Hành cung Vũ Lâm. Cũng ngay thời điểm đó, Thượng Hoàng Trần Thái Tông đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực rừng núi Ninh Bình với hệ thống sông ngòi dày đặc liên thông với khu vực hành cung Thiên Trường – Nam Định. Hơn thế, với hệ thống núi đá vôi dày đặc, rừng cây rậm rạp dễ phòng thủ, khó tiến công, là một nơi đắc địa để xây dựng căn cứ phòng thủ lâu dài, có thể rút quân từ Thăng Long và Thiên Trường về đây theo đường sông trong trường hợp bị truy kích. Địa thế hiểm trở với sông nước có thể dễ dàng khóa chân vó ngựa quân Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến trên những vùng thảo nguyên rộng lớn. Với tầm nhìn ấy của Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông, Hành cung Vũ Lâm đã không chỉ là nơi tu thiền mà còn là căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần, có thể tiến hành chiến đấu trong thời gian dài.
Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái Tông 40 tuổi, đã nhường ngôi cho con và trở về vùng núi Trường Yên lập am Thái tử để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng hành cung Vũ Lâm. Vua Trần Thái Tông (1255 – 1258) đã dựng một am nhỏ trên vạt đất cao gần Hang Cả của khu danh lam thắng cảnh (Tam Cốc) làm nơi tu hành. Nơi đây vẫn còn di tích một khu đất rộng khoảng hơn một sào, cao hơn mặt ruộng được gọi là Vườn Am. Nhà vua đã cho dựng am Thái Vi ở đây, chiêu mộ dân lưu tán đến để khai hoang lập ấp, mở mang đường giao thông, tôn tạo những nơi xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng với tình thế khẩn trương, một khi chiến tranh chống quân xâm lược lại nổ ra. Nhiều cuộc họp quan trọng của triều đình, dưới sự chủ trì của vua Trần Thái Tông đã được tổ chức ở đây. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285, khu Hành cung Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc của quân dân nhà Trần.
Ngày 3 tháng 5 năm Ất Dậu (7-5-1285), hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đánh tan một bộ phận quân Mông – Nguyên ở đây, “chém đầu giặc không kể xiết”. Trận đánh quân Mông – Nguyên diễn ra tại thung lũng đá vôi Thiện Dưỡng. Ở giữa thung lũng đá vôi Thiện Dưỡng nói trên, có cánh đồng “Cửa Mả” và gần đó có thung lũng “Mồ” vì có nhiều mồ mả nên nhân dân địa phương gọi thung lũng này là “đất chiến địa”. Trận đánh quân Mông -Nguyên ở phủ Trường Yên vào ngày 7-5-1285 đã góp phần nhanh chóng quét sạch quân Mông – Nguyên ra khỏi đất Đại Việt một lần nữa cho thấy Trường Yên không chỉ là đất đế đô mà còn là đất chiến địa.
Di tích hành cung Vũ Lâm hiện nay phân bố rộng khắp trong 4 xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân và Ninh Vân huyện Hoa Lư, thuộc khu vực phía nam của quần thể danh thắng Tràng An. Cũng giống như cố đô Hoa Lư, hành cung Vũ Lâm gồm cả vùng núi non hang động Tràng An được tô điểm thêm bằng những di tích lịch sử. Trải ra trên một địa bàn khá rộng, khu di tích Hành cung Vũ Lâm bao gồm nhiều di tích lịch sử như: Cửa Quan, Hành Cung, Cống Rồng, Tuân Cáo, Vườn Kho, v.v…
Ngày nay, những tên đất, tên làng ở vùng đất Văn Lâm còn in đậm dấu ấn lịch sử thời ấy. Đó là cánh đồng Trường Thi nơi tập trận, Bến Thánh là bến thuyền tập kết thủy quân, làng Thiện Trạo (chèo thuyền giỏi), làng Hạ Trạo (gác chèo) ở xã Ninh Thắng là nơi gác chèo khi vào đến Hành cung. Đó là làng Tuân Cáo, nơi các quan vào trình báo nhà vua; làng Hành Cung, là nơi ở của Vua. Những địa điểm như Thái Vi – Thung Nham (xã Ninh Hải); Hành Cung – Khả Lương – Tuân Cáo – Hạ Trạo (xã Ninh Thắng) và Khê Đầu, Bộ đầu, Hệ Dưỡng (xã Ninh Vân) đều là những địa danh có liên quan trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên năm 1285.
Kính thưa quý khách! Ngoài vị trí chiến lược cơ động ra bắc vào nam, khu vực hành cung Vũ Lâm còn là nơi có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, vua Trần Thái Tông đã ví nơi đây với chốn non tiên:
Thủy thức Bồng Lai nguyên bất viễn,
Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần.
(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa;
Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần).
Vũ Lâm là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thượng hoàng đến Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, thượng hoàng ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền” Thời gian này vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294). Sang năm Ất Mão (1295) Đại Việt sử ký toàn thư tờ 540 lại ghi: “Mùa hạ, tháng 6, thượng hoàng về kinh sư. Đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, lại trở về vậy”. Sách “Khâm định đại Việt sử thông giám cương mục” cho biết rõ hơn là hành cung Vũ Lâm ở huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình: “ở đây núi non trùng điệp, trong ruột núi có hang, chu vi núi non rộng đến vài mươi mẫu, bên ngoài có con sông nhỏ quanh co khuất khúc, thông vào núi, thuyền nhỏ có thể chở vào được”. Mô tả về hành cung Vũ Lâm, trong bài thơ Vũ Lâm thu vãn (chiều thu ở Vũ Lâm), vua Trần Nhân Tông đã viết:
Lòng khe in ngược bóng cầu treo
Hắt sang bờ khe vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa.
Kính thưa quý khách! Điểm tham quan đầu tiên trong cụm di tích Hành cung Vũ Lâm là đền thờ các vị vua Trần ở thế kỷ 13, một trong những Vương triều hùng mạnh và thịnh trị của chế độ Phong kiến Việt Nam. Với 175 năm tồn tại và phát triển, vương triều Trần đã có những thành tựu to lớn về nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là chiến công hiển hách ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông. Đền thờ 6 vị vua nhà Trần, là những vị đã từng có dấu ấn, từng lui binh về đây và từng về đây tu hành…
Vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) sinh năm 1218, mất năm 1277, làm vua lúc 8 tuổi do Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi năm 1225, đến năm 1258 ở ngôi 33 năm, làm Thái Thượng Hoàng 19 năm, thọ 59 tuổi. Trần Thái Tông là ông vua đầu tiên của nhà Trần có công trong việc ổn định và đưa xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn thịnh vượng sau thời kỳ nhà Lý. Ông cũng là một ông vua có bản lĩnh, nghiên cứu cả Nho học và Phật học, có tài thơ văn. Đặc biệt ông đã đặt vấn đề xây dựng chế độ thi cử, góp phần mở mang việc học ở Việt Nam. Ông là người lãnh đạo thắng lợi cuộc đọ sức thứ nhất với quân xâm lược Nguyên – Mông năm 1258.
Vua Trần Thánh Tông (tức Trần Hoảng) sinh năm 1240 mất năm 1290 là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Trần, ở ngôi từ năm 1258 đến 1278 và làm Thái thượng hoàng từ năm 1278 cho đến khi qua đời. Ông là một vị Hoàng đế tài năng, có công rất lớn trong công cuộc xây dựng Đại Việt trở nên hưng thịnh. Dưới triều đại của ông, nước Đại Việt thái bình và quân Nguyên Mông tạm thời không sang xâm lược nữa, tạo điều kiện phát triển lực lượng hùng mạnh. Ông nổi tiếng là vị Hoàng đế có lòng thương dân và rất giỏi về thơ văn, cũng rất sùng Phật giáo. Trong thời gian làm Thái thượng hoàng, ông đã cùng với con trai là Trần Nhân Tông lãnh đạo quân sĩ giành chiến thắng trong hai cuộc chiến cuối cùng chống lại quân đội nhà Nguyên. Năm 1282 – 1283, khi quân Nguyên Mông kéo 50 vạn đại binh sang định làm cỏ nước Nam lần thứ 2 thì cả vùng Vũ Lâm, Hệ Dưỡng, Tam Cốc, Bích Động, Tràng An đã được hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông sử dụng làm căn cứ phía tây nam đất nước, cùng với căn cứ Vạn Kiếp tại khu đông bắc do Trần Hưng Đạo chỉ huy là hai căn cứ kháng chiến lớn nhất trong công cuộc chống quân xâm lược Mông – Nguyên.
Vua Trần Nhân Tông (tức Trần Khâm) là đời vua thứ 3 của triều đại nhà Trần. Ông sinh năm 1258, và mất năm 1308, thọ 42 tuổi. Năm 21 tuổi, ông được vua cha truyền ngôi báu và đã trị vì 15 năm (1278 – 1293). Vì là bậc minh quân có biệt tài kinh bang tế thế, ông có công lớn trong việc lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi lần 2 và lần 3, xây dựng đất nước phồn vinh. Bên cạnh là một vị hoàng đế tài năng, ông còn nổi tiếng là một nhà thơ xuất sắc. Tuổi niên thiếu, Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông sau này) từng theo ông nội về Vũ Lâm và say sưa nghe ông kể chuyện về cuộc đời đức Phật. Năm 1282 – 1283, trước khi quân Nguyên Mông kéo 50 vạn đại binh sang định làm cỏ nước Nam lần thứ 2 thì vua Trần Nhân Tông đã cùng với các tướng lĩnh triều đình về lại Hành cung Vũ Lâm để bàn kế giữ nước, lập các phòng tuyến chặn giặc. Vào tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (Hoa Lư – Ninh Bình), đến tháng 7 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng lại rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử – tỉnh Quảng Ninh tu hành, thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng.
Vua Trần Anh Tông (tức Trần Thuyên) sinh năm 1276 mất năm 1320, là vị hoàng đế thứ tư. Ông ở ngôi 21 năm (1293 – 1314) và làm Thái thượng hoàng trong 6 năm. Anh Tông là một vị minh quân, việc học hành mở mang rộng rãi. Bên cạnh là một chính trị gia xuất sắc, ông còn là một nhà thơ giỏi. Thơ ông giản dị, trong sáng, giàu tình cảm và trau chuốt trong ngôn từ.
Vua Trần Minh Tông (tức Trần Mạnh) sinh năm 1300, mất năm 1357, là vị hoàng đế thứ năm của nhà Trần. Ông ở ngôi 15 năm (1314 – 1329) và làm Thái thượng hoàng 28 năm. Tuy nối ngôi còn trẻ, nhưng vốn thông minh, tài trí, sự hưng thịnh của đất nước tiếp tục được mở mang, làm rạng rỡ công nghiệp của nhà Trần, là bậc quân chủ tài giỏi. Vì biết tôn trọng kẻ sĩ, nên dưới trướng mình có nhiều những hiền thần như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An phụ giúp, thời cường thịnh trải suốt khi ông qua đời vào năm 1357. Cũng như các đời vua trước, Minh Tông hay sáng tác thơ, văn.
Vua Trần Nghệ Tông (tức Nghệ Hoàng), sinh năm 1321, mất năm 1394, là vị hoàng đế thứ 8. Ông ở ngôi 2 năm (1370 – 1372), ở ngôi Thái thượng hoàng hơn 20 năm (1372 – 1394). Trần Nghệ Tông là vị hoàng đế có quyền lực tối cao cuối cùng của hoàng tộc họ Trần, công lao lật đổ Dương Nhật Lễ và khôi phục lại cơ đồ cho triều đại nhà Trần đã mang lại danh tiếng một đời cho ông. Tuy nhiên, ông cũng chịu trách nhiệm chính cho việc Hoàng vị họ Trần rơi vào tay của ngoại thích Lê Quý Ly, em họ bên ngoại của ông, do lúc sinh thời ông đã dung túng Quý Ly, giết hại tôn thất họ Trần. Ít lâu sau khi lên ngôi, Trần Nghệ Tông lên làm Thái thượng hoàng vào năm 1372, nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông.
Phía bên trái đền thờ các vị vua Trần là tượng thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung. Bà là con ông Trần Lý ở thôn Lưu Giang, nay là xã Lưu Xá, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Thái tử Sảm, con vua Lý Cao Tông, mới 15 tuổi, chạy loạn về đây đã lấy Trần Thị Dung. Trần Lý đã mộ quân các xã xung quanh phò vua Lý Cao Tông về chiếm lại Thăng Long. Cuối năm 1209, quân họ Trần rước vua Lý Cao Tông về kinh. Năm 1210 vua Lý Cao Tông qua đời. Năm 1211 Thái tử Sảm 17 tuổi lên ngôi là vua Lý Huệ Tông, lập bà Trần Thị Dung làm nguyên phi. Năm 1216 bà Trần Thị Dung sinh con gái đầu lòng là công chúa Thuận Thiên. Hai năm sau ( 1218) bà sinh con gái thứ 2 là công chúa Chiêu Thánh. Bà Trần Thị Dung được tôn là Hoàng Hậu. Năm 1226 vua Lý Huệ Tông mất ở chùa Chân Giáo do Trần Thủ Độ ép tử. Thời gian sau bà lấy Thái sư Trần Thủ Độ. Bà có công lao lớn trong việc giải hoà Trần Liễu với Trần Cảnh. (Trần Liễu và Trần Cảnh là con của Trần Thừa. Trần Thừa lại là anh ruột của bà Trần Thị Dung. Trần Liễu lấy công chúa Thuận Thiên. Trần Cảnh lấy công chúa Chiêu Thánh).
Hơn 10 năm sống bên Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), Hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn không sinh nở gì, nên Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông bỏ Hoàng hậu Chiêu Thánh, lấy Thuận Thiên làm Hoàng hậu vì Thuận Thiên lúc đó đang có mang. Đó là năm Đinh Dậu (1237) vì vậy, Trần Liễu (là bố Trần Hưng Đạo) chống lại vua Trần Thái Tông và làm loạn. Nhờ có bà Trần Thị Dung, Trần Liễu và Trần Cảnh đã giải được mối bất hoà. Bà giữ cho cơ nghiệp nhà Trần yên ổn. Mùa xuân năm 1259 (Kỷ Mùi) bà Trần Thị Dung qua đời. Vua Trần đã phong bà là “Linh Từ Quốc Mẫu”. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi bà : “Giúp đỡ nội trị cho nhà Trần, Linh Từ có nhiều công to… thế mới biết trời sinh ra Linh Từ cốt để mở nhà Trần”. Tương truyền khi theo triều đình nhà Trần vào Vũ Lâm lập Hành cung, bà đã truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, nghề thêu ren. Bà được nhân dân ở đây suy tôn là bà tổ nghề thêu.
Phía bên phải đền thờ tướng Trần Quang Khải, ông thuộc dòng dõi quý tộc của nhà Trần. Ông sinh năm Tân Sửu 1241 mất năm Giáp Ngọ 1294, thọ 53 tuổi. Danh tướng, thi gia đời Trần, con thứ ba vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), em ruột Trần Thánh Tông (Trần Hoảng) biệt hiệu là Lạc Đạo tiên sinh, quê làng Tức Mạc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Ông học nhiều, biết rộng, có tài văn chương, giỏi việc quân sự. Ngay từ trẻ đã được phong tước Chiêu Minh vương, năm 1371 được giữ chức Tướng quốc Thái úy đời vua Trần Thánh Tông, rồi thăng đến Thái sư đời vua Trần Nhân Tông.
Trong cuộc đánh đuổi quân Nguyên – Mông xâm lược, ông cùng Trần Quốc Tuấn và các chiến hữu lập được chiến tích vẻ vang. Bài thơ chiến thắng khải hoàn Tụng Giá Hoàng Kinh Sư là một bản anh hùng ca của dân tộc:
Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu nỗ lực,
Vạn cổ thử giang san.
Dịch:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thần.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.
Kính thưa quý khách! Điểm tham quan thứ hai trong cụm di tích Hành cung Vũ Lâm là đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – một vị tướng lừng danh của nhà Trần cũng như lịch sử nước ta. Trần Hưng Đạo (1228-1300) là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Trong đời mình, ông đã trải qua một lần gia biến, 3 lần nạn nước. Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần đầu, ông được cử cầm quân giữ biên thùy phía Bắc. Ba chục năm sau, trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287 – 1288), ông lại được đề bạt làm tiết chế thống lĩnh toàn quân và đã giành thắng lợi lẫy lừng. Ông là người đã hiến kế “vườn không nhà trống”, lui binh từ kinh thành Thăng Long về Hành cung Vũ Lâm tránh cho nhà Trần những tổn thất lớn, và tạo thời cơ bẻ gãy lực lượng của địch. Ông là một bậc tướng gồm đủ tài và đức, không những là một công thần của nhà Trần mà còn là một anh hùng lớn của dân tộc. Trần Hưng Đạo còn là một trong mười vị tướng tài ba của thế giới tại bảo tàng lịch sử hoàng gia Anh in trong cuốn “Các vị danh nhân của thế giới”.
Sau khi Trần Hưng Đạo mất, trong tâm thức người Việt, ông từ một nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc đã hiển thánh, trở thành một vị nhân thần tối linh. Trải qua hơn 700 năm, truyền thuyết và nghi lễ, lễ hội thờ phụng Đức Thánh Trần đã hình thành khắp nơi trên đất Việt, tín ngưỡng Đức Thánh Trần đã được trao truyền từ đời này sang đời khác, được cộng đồng trân trọng, bảo tồn; có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh người Việt. Xung quanh Đức Thánh Trần được bao trùm không chỉ là các di sản văn hóa hiện hữu mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đậm đặc, đa sắc màu.
Câu ca “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ” từ lâu đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Cơ sở đầu tiên dẫn đến sự hội nhập, đan cài này là về loại hình cả hai đều là sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa (thờ tổ tiên, người có công) với những ảnh hưởng của đạo giáo dân gian. Ngoài ra, trong tâm thức dân gian người Việt, Đức Thánh Trần hay Thánh Mẫu Liễu Hạnh đều là các vị thần thánh được Ngọc Hoàng cử xuống trần gian để tiêu trừ ma tà, dịch bệnh, cứu giúp chúng sinh, bảo vệ giang sơn xã tắc. Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần cùng có giá trị nhiều mặt về nhận thức thế giới và nhân sinh, về củng cố và tăng cường chủ nghĩa yêu nước, về văn hóa nghệ thuật thông qua tục nhập đồng các vị thánh, qua lễ hội và phong tục, qua kiến trúc và điêu khắc.
Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là vị tướng nhà Trần. Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Là môn khách của Trần Hưng Đạo, ông được Trần Hưng Đạo gả con gái là quận chúa Anh Nguyên. Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285 – 1288) ông lập được nhiều chiến công. Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào năm 1312. Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước.
Yết Kiêu (1242-1301) là tuỳ tướng của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông tên thật là Phạm Hữu Thế. Quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông có tài bơi lặn giống như một loài thuỷ tộc. Trong các cuộc chiến chống quân Nguyên thế kỷ XIII, ông chuyên dùng tài bơi lặn của mình để xâm nhập sâu vào đội hình địch để đục thủng đánh chìm các chiến thuyền, mang lại nhiều chiến công vang dội đóng góp lớn cho các cuộc chiến. Cũng bằng tài bơi lặn của mình mà ông đã nhiều lần xông pha nơi trận tiền, giữa đội hình địch để cứu nguy và bảo vệ cho chủ tướng. Yết Kiêu rất được Hưng đạo Đại vương tin yêu và trọng dụng. Ông được vua Trần phong tặng: “Trần triều Hữu tướng Đệ nhất bộ đô soái thủy quân, Tước hầu”.
Trương Hán Siêu (?-1354), là một vị quan, một danh nhân văn hóa đời Trần, với học thức sâu rộng, được các vua Trần luôn tôn gọi là Thầy chứ không gọi tên húy. Ông quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình). Theo chính sử, Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Quốc Tuấn, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm. Ông lập được nhiều công trạng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba.
Trong ngôi đền, chùa Việt, tượng thần của Đạo giáo hiện diện khá phổ biến, tiêu biểu là bộ ba Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu, hay bộ đôi Nam Tào – Bắc Đẩu. Do đó, trong đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, phía bên trái và bên phải có thờ 2 vị Nam Tào và Bắc Đẩu. Bắc Đẩu với dung mạo nghiêm khắc coi việc “Tử”, Nam Tào với dung mạo hiền hòa coi việc “Sanh” ở thế gian, Nam Tào ở bên tả tức là phương Nam, Bắc đẩu ở bên hữu tức là phương Bắc. Hai thần Nam Tào và Bắc Đẩu ngoài việc trông nom loài người, từ lúc sinh cho đến khi chết, còn qui định số mạng giàu nghèo, sang hèn, lành dữ của mỗi người, và sau khi chết phải đầu thai kiếp gì. Số kiếp các loài vật cũng do hai vị thần này ghi chép.
Kính thưa quý khách! Điểm thứ ba trong hành trình tham quan Hành cung Vũ Lâm của quý khách là chùa Áng La, được xây trên một tòa sen khổng lồ, có kiến trúc hiện đại, vật liệu xây dựng chủ yếu là bằng đá nguyên khối và gỗ quý. Trước mặt chùa có núi hình Phượng Hoàng, đặc biệt phía sau có núi hình tượng Phật A Di Đà ngồi thiền hướng về phía Tây cho quốc thái dân an, che chở an lành cho người dân. Trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, vua Trần đã cho lui binh về đây trong thời gian ngắn, với nền tảng là một triều đại rất sùng đạo Phật nên đã cho xây dựng ngôi chùa Áng La này. Hiện nay Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã cho xây dựng lại trên nền móng cũ. Thường thường vào đền chùa sẽ theo quy tắc vào phải ra trái là đi theo chiều tịnh tiến từ dương sang âm để làm tịnh tiến thiện căn. Quý khách sẽ làm lễ từ tượng thần khuyến thiện, ban thờ Đức Ông trước, vì Đức Ông chính là người trông coi ngôi chùa, sau đó đến điện Tam Thế, Đức Thánh Hiền. Vòng ngoài hai bên là bức tượng của 2 vị thần khuyến thiện và trừng ác. Đây cũng là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thời gian vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294, trước khi ngài lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam.
Điểm tham quan thứ tư là Điện Thờ Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu). Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ Đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ.
Kính thưa quý khách! Tại điện thờ Mẫu ở Hành cung Vũ Lâm, Mẫu Thượng Thiên (mẫu Liễu Hạnh) ở chính giữa, ngồi cao nhất, trang phục màu đỏ, cai quản miền trời. Phía bên phải là mẫu Thượng Ngàn, ngồi thấp hơn một chút với trang phục màu xanh, cai quản miền rừng núi. Tương ứng về phía bên trái là mẫu Thoải, với trang phục màu trắng, cai quản miền sông nước. Về Liễu Hạnh (một trong tứ bất tử trong quan niệm dân gian Việt Nam), bà là biểu tượng cho sức sống giải phóng ý thức tự do và lòng nhân đạo. Bà đã trải qua chức phận làm vợ, làm mẹ, làm chủ gia đình, trưởng một cộng đồng, bà biết làm thơ, am hiểu đạo lý, biết cầm quân đánh giặc, biết chữa bệnh cứu nhân độ thế. Ở bà là sự tựu trung những nét đẹp của người mẹ, người chủ, một vị tướng và vị thánh. Thánh mẫu Liễu Hạnh được dân tôn thờ từ thực thể và trở thành tâm linh, là vị thánh thứ tư trong tứ bất tử và cũng là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
Xin mời quý khách hướng mắt nhìn về bên trái phía ngoài điện thờ Mẫu sẽ thấy 11 tấm bia đặt trên lưng rùa để ghi lại công lao to lớn của các anh hùng, tử sĩ đã có công lao lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì rùa là một loài động vật lưỡng cư nhịn ăn rất tốt, tượng trưng cho sự trường tồn, nên rùa hay được lựa chọn để cõng hạc và cõng bia.
Điểm tham quan cuối cùng thứ năm là đền thờ công đồng các tướng lĩnh triều Đinh năm xưa. Đây cũng là ngôi đền nhằm tưởng nhớ công lao to lớn cho sự hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các anh hùng tướng sĩ. Do xưa kia phương tiện đi lại chủ yếu của các tướng lĩnh là ngựa nên trong đền hai bên có ngựa đỏ và ngựa trắng, tượng trưng cho âm dương, màu đỏ là dương và màu trắng là âm.
Kính thưa quý khách! Sau khi chiêm bái và chụp ảnh lưu niệm tại cụm di tích hành cung Vũ Lâm xin mời quý khách di chuyển lên thuyền trở về bến. Với lợi thế là phong cảnh thiên nhiên kỳ thú có một không hai trên thế giới. Non nước Tràng An còn là địa điểm “vàng” của nhiều bộ phim nổi tiếng trong nước và quốc tế. Khi đến gần hang Vạng, quý khách sẽ nhìn thấy bãi đất bồi, là phim trường của bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” được quay bởi đoàn làm phim Hollywood danh tiếng năm 2016. Phim “Pan và vùng đất Neverland”, phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, phim “Thiên mệnh anh hùng”… cũng được quay tại Tràng An. Tràng An hiện lên trong phim là một quần thể tổng hòa giữa núi đá vôi hùng vĩ, rừng cây xanh mướt ẩn hiện trong mây mù, xen kẽ giữa những hẻm núi là dòng sông bình lặng. Qua xử lý kỹ xảo hình ảnh, cảnh vật thêm phần ảo diệu, lung linh như chốn tiên cảnh ở nhân gian. Qua đó, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Tràng An không chỉ phạm vi trong nước mà còn trên toàn thế giới.
Kính thưa quý khách! hành trình trải nghiệm ngày hôm nay của quý khách về với Khu du lịch sinh thái Tràng An là chúng ta đã đi theo dấu chân của vua Đinh Tiên Hoàng đế từ thuở xưa cờ lau tập trận, rèn luyện quân sĩ, xưng Vạn Thắng Vương cất binh đi dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khai sinh xã tắc đăng quang lên ngôi Hoàng đế mở ra cho đất nước ta một nền phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của dân tộc. Linh khí đất trời, hồn thiêng giang sơn cũng hội tụ tại nơi đây, chứng tích lịch sử thiêng liêng đó còn đây và hiển hiện bằng sông, bằng núi ở chính tại nơi này. Đất trời Hoa Lư chính là chiếc nôi khai sinh ra nước Việt nhưng tiếc rằng chỉ tồn tại được có 42 năm. Tuy nhiên, mảnh đất chứa đầy linh khí thiêng liêng này cũng đã đăng quang 3 ngôi Hoàng đế đại diện cho 3 triều đại thịnh trị tại nơi đây đó là triều Đinh, triều Tiền Lê và những năm khởi đầu của triều đại nhà Lý. Nếu như không có Hoa Lư với ngót nửa thế kỷ oanh liệt thì sẽ không có Thăng Long rồng bay của đất nước ta vào thế kỷ thứ 11. Vì vậy Hoa Lư chính là một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Và ngày hôm nay chúng tôi rất đỗi cảm ơn quý khách đã bớt chút thời gian và tình cảm về thăm Hoa Lư, thăm Khu du lịch sinh thái Tràng An, thăm lại những chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ thời Đinh, tiền Lê, Lý, Trần. Chắc hẳn, chuyến thăm quan này quý khách đã chụp được rất nhiều những bức hình đẹp tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, quý khách có thể mang những bức hình đó về nơi mình sinh sống để có thể giới thiệu cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng biết đến Khu du lịch sinh thái Tràng An và quảng bá cho quê hương Ninh Bình.
Với tài liệu tham khảo này, Hải Đăng Travel hy vọng các bạn hướng dẫn viên sẽ lưu lại cho mình những kiến thức nền tảng tốt nhất để hành nghề, giúp du khách hiểu hơn văn hóa lịch sử trên dải đất Ninh Bình thân yêu. Thân mến!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bài thuyết minh khu du lịch sinh thái Tràng An – Tuyến 1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư.
- Website. www.hotrodukhachninhbinh.vn. Trung tâm hỗ trợ khách du lịch Ninh Bình.
- Sách Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Ban quần thể danh thắng Tràng An.
- Sách Các Triều đại Việt Nam – Đỗ Đức Hùng, NXB Văn hóa – Thông tin, 2009